Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi

Bồi dưỡng, vun đắp tình cảm là việc làm vô cùng cần thiết trong việc giáo dục và nuôi dạy trẻ. Ngoài việc quan tâm chăm sóc đến việc ăn học của các con thì điều quan trọng không thể thiếu là dạy bé biết cách cư xử với mọi người. Bởi những thói quen ứng xử sẽ theo trẻ trong suốt quá trình định hình nhân cách và ảnh hưởng trực tiếp đến các bé yêu sau này ?
Và bài học sơ khai nhất nhưng cũng không kém phần quan trọng là dạy trẻ biết nói những lời “cám ơn và xin lỗi” một cách chân thành, đúng lúc và đúng chỗ. Cùng Mẹ Yêu dạy bé yêu của mình ngay từ bây giờ nhé ?

HÃY LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA CON

Ở độ tuổi của các bé rất hay bắt chước mọi người xung quanh, nhất là cha mẹ và người thân. Vì vậy cha mẹ hãy cố gắng làm gương cho con. Bé rất tinh ý nhận ra cha mẹ không làm đúng như lời dạy. Khi trẻ giúp bố mẹ làm một gì đó, ba mẹ cũng đừng quên nói với con rằng: “Mẹ cảm ơn con” hoặc “Mẹ xin lỗi con” nếu ba mẹ không thực hiện được lời hứa với con. Nói “Cảm ơn” và “Xin lỗi” với trẻ cũng là một cách tôn trọng trẻ. Trẻ được tôn trọng thì trẻ sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp ứng xử.

ĐỪNG ÉP BUỘC TRẺ

Khi trẻ mắc lỗi, đừng trừng mắt và ép trẻ nói xin lỗi. Một số trẻ sợ sẽ ấp úng nói theo, nhưng số khác sẽ làm ngơ vì câu nói này đã vô tình ‘khiêu chiến’ tính bướng bỉnh và cái tôi của trẻ, khiến trẻ càng muốn hành động ngược lại những gì bạn nói. Nên giải thích cho trẻ hiểu xin lỗi không phải là hèn nhát mà là người có lòng tự trọng và có trách nhiệm. Giúp trẻ nhận thức được rằng khi gây ra một sai phạm gì đó, cách tốt nhất là nói thật cho cha mẹ hoặc người lớn biết – Đó là một phẩm chất dũng cảm. Hãy để con tích lũy được bài học khi mắc lỗi thay vì nói xin lỗi như một con vẹt.

DẠY TRẺ NÓI TRÒN CÂU KHI CÁM ƠN HOẶC XIN LỖI

Ngoài việc, dạy bé nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” thì cha mẹ cũng nên dạy con nói sao cho tròn câu, thể hiện được sự chân thành của trẻ. Chẳng hạn như khi bé nói cảm ơn ông bà khi được tặng quà, thay vì nói “cảm ơn” như với bạn bè của bé, hãy dạy bé nói đầy đủ cả câu “Cháu cảm ơn ông bà”, “Tớ cảm ơn cậu”,….Như thế sẽ thể hiện hết được sự chân thành của bé.

ĐẶT TÌNH HUỐNG ĐỂ DẠY TRẺ CƯ XỬ

Hãy tận dụng chính sự tự nhiên, để các việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày dạy trẻ, hãy đặt ra vô vàn các câu hỏi cho bé. Nếu bé trả lời sai, hãy ngồi xuống phân tích cái đúng, cái sai cho bé hiều là tại sao con lại phải làm như thế, tại sao con lại phải nói cảm ơn, xin lỗi,… Thêm vào đó, chính cha mẹ hãy cảm ơn bé khi nhờ bé giúp việc gì đó, hoặc xin lỗi bé khi bạn lỡ nói sai, hoặc tức giận với bé. Làm như thế bé sẽ có thể cảm nhận được tầm quan trọng của lời nói.

KHEN NGỢI KHI TRẺ NHẬN LỖI HOẶC BIẾT CẢM ƠN ĐÚNG LÚC

Hãy khen ngợi bé khi bé dám đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Cũng tương tự như thế, khi trẻ biết cảm ơn chân thành trước một việc làm tốt của người khác dành cho mình, cha mẹ cũng nên khen con thật khéo léo. Tuy nhiên, khen ngợi cũng cần đúng mực và đúng lúc, không nên quá lạm dụng khiến trẻ trở nên “lờn” và xem những lời khen là chuyện dĩ nhiên phải có.

Dạy trẻ nói lời “cảm ơn” hoặc “xin lỗi” không phải là việc khó nhưng đòi hỏi từ cha mẹ và những người lớn xung quanh sự kiên trì, nhẫn nại và tinh tế. Điều quan trọng bậc nhất ở đây là hướng trẻ đến sự thành tâm chứ không phải là “bắt ép” trẻ nói ra những lời đó như một nghĩa vụ, làm cho xong việc. Qua việc giáo dục trẻ những điều này, chúng ta giúp trẻ gián tiếp thể hiện tình cảm đối với cha mẹ và mọi người xung quanh. Đó là điều rất cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.

 

 

 

Leave A Comment